Tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp về quy định phòng cháy, chữa cháy

1 năm trước

Tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp về quy định phòng cháy, chữa cháy ảnh 1

Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH - Bộ Công an chủ trì hội nghị trực tuyến nhằm nâng cao các biện pháp, giải pháp an toàn PCCC và CNCH

Tuân thủ quy định về an toàn PCCC

Theo Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, để hạn chế tối đa xảy ra vụ cháy và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, thời gian qua đơn vị đã chủ động, tích cực theo dõi tình hình, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp về thực hiện quy định PCCC, đặc biệt các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, điển hình như doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản.

Để tìm hiểu cụ thể thông tin và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thời gian qua, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã trao đổi trực tiếp với một số Đại sứ quán, hiệp hội doanh nghiệp (Hàn Quốc, Nhật Bản) có khó khăn, vướng mắc.

Qua đó, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã chỉ rõ tồn tại, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các khó khăn là do đơn vị tư vấn, chủ đầu tư chưa nắm bắt kịp thời các quy định pháp luật về PCCC, lựa chọn nhà thầu có năng lực hạn chế dẫn tới chưa thực hiện đúng quy định.

Theo đó, đối với các trường hợp các dự án, công trình đã được cấp Giấy chứng nhận kiểm định sơn chống cháy theo quy định Nghị định 79/2014/NĐ-CP (trước 10/01/2021) thì tiếp tục sử dụng kết quả kiểm định đó để thực hiện nghiệm thu về PCCC cho dự án, công trình theo quy định.

Đối với các dự án, công trình lập hồ sơ thiết kế và thực hiện thẩm duyệt sau khi Nghị định 136/2020/NĐ-CP có hiệu lực (từ ngày 10/01/2021), phải có hồ sơ thiết kế chịu lửa cho kết cấu chịu lực của công trình, là cơ sở để lựa chọn định hướng giải pháp bảo vệ chống cháy cho kết cấu (dùng sơn chống cháy, vữa chống cháy, tấm ốp chống cháy hay loại vật liệu gì, cách thực hiện như thế nào?…) theo quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế hoặc tập hợp số liệu phục vụ thiết kế đã được xây dựng theo quy định.

Chủ đầu tư nộp hồ sơ thiết kế chịu lửa, định hướng giải pháp bảo vệ chống cháy cho kết cấu công trình, và các thành phần hồ sơ khác theo quy định của Nghị định 136/2020/NĐ-CP đến cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH có thẩm quyền để thực hiện thẩm duyệt thiết kế về PCCC theo quy định. Căn cứ kết quả kiểm định mẫu kết cấu đã được thử nghiệm, kiểm định (kiểm chứng), nhà thầu tổ chức thi công bọc bảo vệ chống cháy cho kết cấu chịu lực của công trình theo hồ sơ thiết kế và thực hiện nghiệm thu về PCCC theo quy định.

Đối với các trường hợp cụ thể, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đề nghị chủ đầu tư cung cấp chi tiết hồ sơ thiết kế về PCCC của công trình để các bên cùng tìm giải pháp phù hợp, đúng quy định pháp luật về PCCC, sớm đưa công trình vào sử dụng.

Bên cạnh đó, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH cũng triển khai văn bản rà soát các trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang có các khó khăn, vướng mắc tương tự trên toàn quốc, qua đó đã nắm bắt được danh sách cụ thể, đã lập kế hoạch để phối hợp Công an các địa phương khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trên toàn quốc trong thời gian tới.

Tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp về quy định phòng cháy, chữa cháy ảnh 2

Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc CATP chủ trì giao ban công tác PCCC và CNCH

Quy chuẩn về an toàn PCCC

Trước đó, Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình có hiệu lực thi hành từ 01/07/2020. Tuy nhiên, qua thời gian áp dụng, cho thấy có một số điểm chưa phù hợp thực tiễn nên đơn vị này đã tiếp tục nghiên cứu thay thế quy chuẩn phu hợp (QCVN 06:2022/BXD).

Đây là điểm mới có nhiều điểm mang tính tháo gỡ các quy định khó thực hiện về PCCC mà doanh nghiệp.

Cụ thể, theo quy định cũ, với công trình nhà công nghiệp hạng sản xuất C, nếu nhà 1 tầng thì cho phép phân khoang cháy tối đa 5200m2; nếu nhà 2 tầng thì cho phép phân khoang cháy tối đa 3500m2. Hiện tại, thay đổi cho phép nhà 1 tầng có khoang cháy đến 25.000 m2, nhà 2 tầng có khoang cháy đến 10.400 m2 và chỉ yêu cầu bậc chịu lửa III, IV tương ứng giới hạn chịu lửa của kết cấu chịu lực là 45 phút hoặc 15 phút, giúp dễ dàng thực hiện các biện pháp bảo vệ kết cấu chịu lửa.

Trước đây, tất cả các công trình đều yêu cầu tường ngoài (kính) phải có giới hạn chịu lửa, gây khó khăn trong đầu tư xây dựng về thi công, chi phí đầu tư thì hiện nay đã có quy định cụ thể, giảm đáng kể các trường hợp yêu cầu phải có giới hạn chịu lửa. Đồng thời khi các công trình đã bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC thì không yêu cầu giới hạn chịu lửa đối với kết cấu này.

Đối với các công trình không đáp ứng yêu cầu về khoảng cách an toàn PCCC thì được lựa chọn nhiều giải pháp ngăn cháy khác để thay thế như sử dụng các tường ngăn cháy, kết cấu ngăn cháy, cũng như trang bị bổ sung hệ thống chữa cháy tự động.

Như vậy, trong quá trình thực hiện quy định về PCCC, Bộ Xây dựng và Bộ Công an liên tục tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân để sửa đổi, bổ sung các quy định của Quy chuẩn góp phần bảo đảm an toàn PCCC và tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong qua trình sản xuất, kinh doanh. Quá trình ban hành các Quy chuẩn có kèm theo các điều khoản chuyển tiếp để hướng dẫn tổ chức, doanh nghiệp, người dân thực hiện quy định dễ dàng hơn, không gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

Về quy định giới hạn chống cháy, chịu lửa, chịu lực chính trong công trình được áp dụng quy định tại quy chuẩn năm 2022 của Bộ Xây dựng. Cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH không đặt ra quy định mới, đồng thời, việc hướng dẫn doanh nghiệp chấp hành các quy định này đã được triển khai trong thời gian qua.

 
Tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp về quy định phòng cháy, chữa cháy ảnh 3

Công an Hà Nội thường xuyên rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ để ứng phó sự cố hỏa hoạn

Để triển khai thực hiện các quy định an toàn PCCC và CNCH, ngày 28/12/2021, Bộ Công an ban hành Thông tư số 123/2021/TT-BCA ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 03:2021/BCA về phương tiện phòng cháy và chữa cháy, có hiệu lực thi hành từ ngày 28/6/2022.

Như vậy, không phải toàn bộ các kết cấu được bọc bảo vệ bằng chất, vật liệu chống cháy đều phải kiểm định về PCCC và không cần thiết phải có Giấy chứng nhận kiểm định về PCCC cho từng dự án, công trình cụ thể.

Nội dung được thẩm duyệt thiết kế về PCCC trên hồ sơ không bao gồm chấp thuận giải pháp bảo vệ chống cháy cho kết cấu công trình, mà chỉ chấp thuận việc đặt ra giới hạn chịu lửa cho kết cấu công trình đó, làm cơ sở đánh giá bậc chịu lửa cho công trình. Sau khi được thẩm duyệt về PCCC, chủ đầu tư có trách nhiệm lựa chọn nhà thầu và tổ chức thi công kết cấu với các phương pháp bọc bảo vệ khác nhau để bảo đảm giới hạn chịu lửa, không nhất thiết phải dùng sơn chống cháy như dự kiến ban đầu.

Để đảm bảo chất lượng, chủ đầu tư cần lựa chọn các sản phẩm sơn chống cháy đã được thử nghiệm, có tập hợp số liệu phục vụ thiết kế và đã được kiểm định theo quy định (trong trường hợp này, cơ quan Cảnh sát PCCC thực hiện kiểm định mẫu kiểm chứng). Việc chủ đầu tư lựa chọn đơn vị sản xuất sơn chống cháy chưa đảm bảo chất lượng, tổ chức thi công sơn chống cháy khi không có kết quả kiểm định là chưa phù hợp, không tuân thủ quy trình quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Ai đủ điều kiện đánh giá chất lượng kiểm định vật liệu PCCC

Để thuận lợi trong tổ chức thử nghiệm, đánh giá chất lượng sản phẩm đối với các đơn vị sản xuất, nhập khẩu chất, vật liệu chống cháy, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH thông tin chi tiết các đơn vị thử nghiệm đã được Bộ Xây dựng cấp phép thực hiện các thử nghiệm chịu lửa (tính đến thời điểm hiện tại) như sau:

Phòng thử nghiệm LAS-XD 416 thuộc Viện KHCN Xây dựng, địa chỉ cơ sở thử nghiệm: 81 Trần Cung, Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội;

Phòng thử nghiệm LAS-XD 1471 thuộc Trường đại học PCCC, địa chỉ cơ sở thử nghiệm: Cơ sở 1 (243 đường Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội); cơ sở 2 (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình); cơ sở 3 (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai);

Phòng thử nghiệm LAS-XD 1133 thuộc Viện Vật liệu Xây dựng, địa chỉ cơ sở thử nghiệm: Số 235 đường Nguyền Trãi, Phường Thanh Xuân Trung, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội;

Phòng thử nghiệm LAS-XD 1646 thuộc Công ty TNHH công nghệ phòng cháy chữa cháy Phương Nam, địa chỉ cơ sở thử nghiệm: Lô số 26, Đường số 5, KCN Tân Đức, Xã Đức Hòa Hạ, Huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Ngoài ra, còn nhiều đơn vị thử nghiệm khác đang trong quá trình triển khai và xin cấp phép tại Bộ Xây dựng.

Có thể thấy mạng lưới các cơ sở thử nghiệm đã phủ khắp cả nước, bảo đảm phục vụ nhu cầu thử nghiệm. Các đơn vị có nhu cầu có thể lựa chọn phòng thử nghiệm thuận lợi, phù hợp để tổ chức thử nghiệm đánh giá sản phẩm theo quy định.